Logo_
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚITop bar
Thầy Thuốc Tự Thân

THỂ DỤC TỰ Ý VÀ CÁC NGUYÊN TẮC TẬP LUYỆN

Thứ Tư, 30/11/2022
NGUYỄN THỊ NGỌC ANH

(Bài viết của GS.TSKH Bùi Quốc Châu)

THỂ DỤC TỰ Ý BÙI QUỐC  CHÂU

Vai trò của thể dục đối với sức khỏe của con người thật là to lớn. Điều này hầu như mọi người đều biết.
Nó ích lợi đến sức khỏe con người vì nó làm cho tứ chi và các bộ phận của cơ thể vận động một cách có hệ thống và theo những nguyên tắc nhất định. Từ đó khí huyết được lưu thông mạnh mẽ trong châu thân, thần kinh được ổn định. Chính những tác động này làm cho cơ thể được khỏe mạnh, bệnh tật được tiêu trừ. Xét về khía cạnh bảo vệ sức khỏe, phòng và chống bệnh thì thể dục hơn thể thao vì thể dục vận động cơ thể một cách đều đặn và êm nhẹ hơn thể thao. Cho nên người siêng năng tập thể dục thường sống lâu hơn những người chơi thể thao, vì thể thao thường đòi hỏi sự ráng sức quá mức của cơ thể con người. Từ yếu tố này con người rất dễ bị tổn thương do cố gắng quá mức về thể xác và tinh thần (mọi sự cố gắng quá mức về thể xác và tinh thần đều đưa đến những hậu quả xấu). Do ích lợi to lớn của thể dục đối với sức khỏe con người nên từ hàng ngàn năm nay nhiều dân tộc đã cố gắng nghiên cứu và hoàn thành những phương pháp thể dục của riêng nước mình để bảo vệ sức khỏe giống nòi.

Việc làm này không phải dễ cho nên tuy nhân loại biết đến lợi ích của thể dục nhưng không phải nước nào cũng có môn thể dục đặc thù của nước đó. Phải nói sự thật, đa số đều là học hỏi, bắt chước lẫn nhau (học hỏi lẫn nhau là điêu tốt nhưng nếu chỉ học mà không có « cái riêng » của mình thì cũng dở).
Kế đến đối với một con người việc học cho thuộc « đúng bài bản » của một bài thể dục cũng không phải là chuyện dễ. Vì trước hết các bài thể dục thường có quá nhiều động tác cho nên người tập phải mất một thời gian mới có thể thuộc và tập cho đúng « bài bản » được. Sau nữa thể dục rõ ràng là phương pháp phòng và chữa bệnh rất hiệu quả với nhiều loại bệnh tật nhưng nhược điểm của nó là chậm và không rõ nét. Do đó nhiều người thích uống thuốc, chích thuốc, châm cứu, bấm huyệt hơn vì các loại này đem lại kết quả nhanh và rõ ràng, mặc dù thường là không cho kết quả lâu bền, tự nhiên và trọn vẹn bằng thể dục.

Từ lâu tôi đã có suy nghĩ về vấn đề này và đã âm thầm nghiên cứu. Sau nhiều năm nghiên cứu và quan sát các môn thể dục khác nhau, tôi khám phá ra một nguyên lý chung nhất của các môn thể dục là CÁC KHỚP VÀ CƠ ĐỀU VẬN ĐỘNG. Tất nhiên ở mỗi môn, động tác và vận tốc có hơi khác nhau. Có môn cử động nhanh (như Aerobic), có môn môn chậm (như Thái Cực quyền, Thái Cực chưởng), có môn phải tập rất nhiều động tác, có môn chỉ tập ít động tác mà thôi. Nhưng nói chung các KHỚP VÀ CƠ BẮP BUỘC PHẢI VẬN ĐỘNG. Nếu không thì sẽ không có kết quả (chỉ trừ các môn tĩnh khí công, tức môn khí công chỉ cần ngồi yên lặng mà thở, như kiểu Thiền). Vì lẽ các khớp và cơ bắp có vận động thì khí huyết mới lưu thông, khí huyết có lưu thông thì Âm Dương mới quân bình, bách bệnh mới tiêu trừ.

Từ nhận xét này tôi có có suy nghĩ tại sao ta không hướng dẫn người tập nắm vững nguyên tắc này và để cho họ tự tập theo ý họ. Như thế họ sẽ rất thích thú (do bản tính con người là không thích nghe lời người khác mà thích làm theo ý mình) và được tự do, không phải bị ràng buộc vào việc phải nhớ các động tác thể dục do các huấn luyện viên thể dục hướng dẫn. Vì thế sau khi khám phá ra điều này, tôi tự tập thể dục theo kiểu riêng. Dĩ nhiên không rời xa nguyên tắc các khớp đều phải vận động và đặc biệt có kết hợp THỞ, GỒNG và QUÁN TƯỞNG. Riêng trong một số trường hợp đặc biệt, có thể kết hợp thêm Ý MUỐN MÃNH LIỆT ĐƯỢC KHỎI BỆNH (hoặc được có sức khỏe tốt trở lại).

Kết quả thật bất ngờ và thú vị. Như đang bị vẹo cổ, tập vừa xong là cổ gáy nhẹ ngay; đang đau lưng, tập xong là giảm đau lưng ngay. Phần khởi trước kết quả đầy tính « nhiệm mầu » này, tôi hướng dẫn cho nhiều người tập, trong đó có các bạn và học viên của tôi. Kết quả là các bạn đó đều rất phấn khởi và tin tưởng vì hiệu quả rõ rệt và mau chóng của nó mà lại không cần phải cố nhớ. Ngoài ra lại có một tiện lợi là tập vào lúc nào và ở đâu cũng được.

Tôi còn nhớ có một học viên nữ (sœur Trần Thị Sơn ở Long Khánh) đang bị mỏi mệt, cứng gáy, đau lưng nhưng vừa tập xong (sau khi được tôi hướng dẫn 10 phút) đã thấy nhẹ nhõm cả người, các chỗ có bệnh đều tan biến một cách ký lạ ! Khiến sœur Sơn phải thốt lên thật là ‘phép màu’ và sœur có so sánh là «Thể dục tự ý hay hơn Âm Dương khí công». Nhận xét này tuy không đúng hẳn (vì mỗi phương pháp có cái hay riêng) nhưng cũng nói lên hiệu quả kỳ lạ của phương pháp này (sở dĩ sœur có phát biểu này vì trước đó sœur đã có tập Âm dương khí công mà không khỏi các bệnh trên, nay chỉ sau 10 phút tập Thể dục tự ý thì hết ngay các bệnh chứng trên, cho nên sœur mới nói thế).

Một nữ dược sĩ là học viên khóa 27 DC (năm 1996) bị cứng khớp ngón tay giữa, khi gập vào thì tự duỗi ra không được, phải kéo ra mới thẳng được, uống thuốc hoài không hết. Thế mà chỉ sau 2 lần tập thì ngón tay tự co duổi ra vô bình thường. Đặc biệt trong khóa DC 130 nâng cao vừa qua (2/1/2014), có nhiều học viên đã thành công bất ngờ với phương pháp mới này, kể cả những ca viêm các khớp ngón tay đã 20 năm cũng bớt được đến 80% chỉ sau 5 phút tập Thể dục tự ý. Còn nhiều trường hợp nữa nhưng không cần kể ra đây làm gì. Các bạn nếu không tin tôi thì cứ tập thử sẽ biết.

Ngoài tính hiệu quả, Thể dục tự ý quả là tiện lợi, an toàn và dễ tập, nó còn dễ truyền bá cho người khác khi bạn đã tập có kết quả. Đặc tính này khiến cho về lâu về dài nó giúp cho đồng bào ta có được sức khỏe tốt hơn và cũng tự chữa được một số bệnh mạn tính hoặc mới phát. Điều này sẽ giúp cho người dân có được sự an tâm và vui vẻ trong cuộc sống. Đây há chẳng phải là ích lợi lớn lao trong xã hội ta hay sao ?

THỂ DỤC TỰ Ý  VÀ CÁC NGUYÊN TẮC TẬP :

I/ – Để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, tiến dần đến chỗ tiêu trừ bệnh trong cơ thể : Mỗi ngày tập cử động tất cả các khớp trong cơ thể. Bộ phận nào có thể cử động được thì cử động (Vd : xoay tròn mắt, cổ hoặc cúi xuống ngữa lên, chân tay đưa ra trước/sau, co/duỗi các ngón tay hoặc ngón chân, gập người rồi ngửa lên, xoay eo lưng…).

Tập lần lượt từ trên đầu xuống chân, mỗi bộ phận 3 lần rồi tập sang bộ phận khác, cho đến khi tập hết các bộ phận trong toàn thân thì ngưng. Tập toàn thân tổng cộng độ 20 – 30 phút.

Lưu ý : Tuy tập Thể dục tự ý ít tốn thì giờ nhưng có thể sẽ làm cơ thể người tập đổ mồ hôi rất nhiều, tương đương với tập môn thể dục khác lâu gấp nhiều lần, vì Thể dục tự ý kết hợp cùng lúc cả TÂM, Ý, KHÍ, LỰC cho nên mới xảy ra hiện tượng như thế, các bạn cũng đừng ngạc nhiên. Ngoài ta ta không nhất thiết phải tập một lúc toàn thân vì sẽ mất rất nhiều thì giờ mà ta có thể chia ra làm nhiều lần tập trong ngày. Mỗi lần chỉ tập một số bộ phận của cơ thể tùy điều kiện không gian và thời gian của mình lúc đó. VD : Ở chỗ hẹp như đang ngồi trong văn phòng công y chẳng hạn, thì ta có thể tập cử động các ngón tay, cổ tay hoặc cổ, gáy; còn khi ở nhà thì ta có thể tập chân, lưng.v.v.., miễn sao cho đúng các nguyên tắc của Thể dục tự ý là được.

II/- Để tự chữa một bệnh hay một triệu chứng bệnh đang xảy ra ở một bộ phận nào đó trong cơ thể : Ví dụ như đau cổ gáy, đau nhức cánh tay, đau thắt lưng, nặng đầu, đau khớp vai, khớp gối…, thì chỉ tập bộ phận đang có vấn đề (đau nhức, mỏi, nặng nề, tê dại, cứng…) mà không cần tập các bộ phận khác. Có thể tập ngày 3 lần cho đến khi hết bệnh.

Đối với cả 2 trường hợp trên, khi tập đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây :

1. Vừa cử động vừa THỞ (hít vào/thở ra)
2. Vừa cử động vừa GỒNG (gồng vừa phải thôi, gồng quá sức sẽ mỏi cơ)
3. Vừa cử động vừa QUÁN TƯỞNG (tập trung chú ý) vào bộ phận đang có bệnh.
4. Vừa cử động vừa ƯỚC MUỐN MÃNH LIỆT VÀ TIN TƯỞNG SẼ KHỎI BỆNH

 

CHÚ Ý :

I/- Hai điểm 2 và 4 trên đây chỉ áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt, còn bình thường chỉ cần làm các động tác 1 và 3 mà thôi, tức là THỞ sao cho ăn khớp với cử động và phải QUÁN TƯỞNG đến cơ quan hoặc bộ phận đang bị bệnh. Nếu thiếu 1 trong 3 điểm căn bản nêu trên sẽ không thể đạt kết quả nhanh chóng và triệt để được.
Ngoài ra có một điểm nữa cũng rất quan trọng, đó là chuẩn bị tư tưởng trước khi tập. Có nghĩa là người tập phải hình dung trong đầu toàn bộ các động tác trong qui trình sẽ tập cho đến khi nhuần nhuyễn trong đầu rồi hãy bắt đầu tập. Đây là bí quyết để có hiệu quả cao khi tập phương pháp này.

II/- Cử động nào lấy sức thì hít hơi vào và khi thả lỏng ra thì thở ra. VD : Trong môn tập tạ, khi nâng ta lên khỏi đầu thì hít hơi vào (vì phải lấy sức), khi bỏ tạ xuống thì thở ra. Cũng vậy, khi giơ tay lên khỏi đầu thì hít hơi vào, khi bỏ tay xuống thì thở ra.
Cụ thể như sau : Ví dụ để trị ngón tay trỏ đang bị cứng, khó cử động, ta từ từ co ngón tay lại cho đến khi đầu ngón tay chạm bàn tay. Cũng cùng lúc với cử động này, ngay từ lúc co ngón tay lại thì hít vô từ từ, sao cho hơi thở vô phù hợp với cử động ngón tay để khi đầu ngón tay chạm bàn tay thì khi đó cũng vừa hết một hơi thở. Tới đây ngưng lại một chút (5 giây) – chú ý : có thể đếm to bằng miệng trong lúc tập nhưng lúc nào tâm trí cũng phải nghĩ về nơi đang bị bệnh thì mới có hiệu quả. Tiếp theo đó, lại bắt đầu duỗi ngón tay trỏ thẳng ra, đồng thời phải thở ra (cũng bằng mũi) nhẹ nhàng và từ từ sao cho khi ngón tay duỗi thẳng là ta vừa thở ra hết (không cần phải ráng sức thở ra cạn hết hơi trong phổi, hít vô cũng thế, chỉ thở vừa sức thôi). Lập lại 3 – 9 lần như thế, tùy trường hợp bệnh lâu hay mới, nặng hay nhẹ mà làm 3 hay 6 hoặc 9 lần. Nếu chưa hết bệnh cũng nên ngưng, qua hôm khác sẽ tập, không cần làm thêm nhiều lần nữa sẽ mệt.

III/- Cũng đồng lúc với hít hơi vô với cử động co vào của ngón tay, ta phải tập trung ý tưởng nghĩ đến ngón tay đang đau. Nếu biết rành cơ thể học thì có thể hình dung trong óc ta hình ảnh chi tiết của bên trong ngón tay, như các tĩnh và động mạch trong đó có máu đang chảy, các xương và khớp ngón tay, các dây thần kinh. Đồng thời ngón tay phải hơi gồng và phải có ước muốn mãnh liệt là ngón tay sẽ khỏi đau.

Các bạn đừng cho là quá khó và nói tôi bày ra cách này phức tạp quá vì làm một lúc 5 động tác vừa vô hình vừa hữu hình. Trên thực tế đối với các bệnh khó trị thì mời cần phải làm nhiều như thế, chứ đối với các bệnh đau cơ khớp thông thường thì chỉ cần kết hợp cử động, hơi thở và trong óc phải quán tưởng đến bộ phận đang bị bệnh là đủ có hiệu lực sau khi vừa tập xong.
Sở dĩ ta cần kết hợp 5 động tác là vì mỗi động tác đều có ý nghĩa và tác dụng riêng đối với cơ thể và có hiệu quả trị bệnh nhất định. Nay tôi kết hợp lại để đạt kết quả cao hơn, chứ không phải làm để chơi. Các bạn thử co tay vô mà không kết hợp thở cùng lúc cũng như không tập trung chú ý vào nơi đang đau hay không gồng gì cả thì hiệu quả rất kém.
Cách tập này có thể áp dụng bất cứ lúc nào và ở đâu nhưng phải luôn nhớ 5 quy tắc trên : CỬ ĐỘNG – HÍT THỞ – QUÁN TƯỞNG – GỒNG – TIN TƯỞNG VÀ ƯỚC MUỐN thì mới có kết quả cao được.

LƯU Ý : Thể dục tự ý chủ yếu làm cho khí huyết trong cơ thể được lưu thông, từ đó đạt hiệu quả trị bệnh qua con đường cử động các khớp. Qua thực tế bước đầu cho thấy phương pháp này có hiệu quả cao đối với bệnh đau nhức tứ chi, các ngón tay, ngón chân, sống lưng, cổ gáy, vai… Riêng với trường hợp bệnh nội tạng (tim, phổi, gan, ruột…), phải kết hợp sử dụng các Đồ hình Đồng ứng với cách hít thở kèm động tác cúi gập người/ngữa lên và xoay eo lưng, trong khi đó phải QUÁN TƯỞNG đến nội tạng đang có bệnh thì mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý không phải bệnh gì cũng có thể áp dụng và chữa khỏi bằng phương pháp này.

Chúc các bạn thành công với môn Thể dục tự ý này.
GSTSKH Bùi Quốc Châu
(Ngày 17/1/2014)

Danh mục
Viết bình luận của bạn
Messenger